BÍCH HỌA AI CẬP

Bích Họa Ai Cập

 

 

Nói về những bích họa đầy giá trị trong các thánh điện Ai Cập, chúng mô tả nhiều chân lý thâm diệu về tiểu vũ trụ và đại vũ trụ. Khi nhìn chung và cả khi nhìn riêng từng phần, chúng tỏ lộ diễn trình tiến hóa, diễn biến tạo vũ trụ và các năng lực, nhưng tự chúng thì bích họa là kết quả của tâm thức mà đạo gia bước vào khi tập yoga. Tới một trình độ nào đó, khi thần thức vào được cõi trên người ta trực tiếp biết ngay chân lý mà trong trí phàm, nó lấy dạng thần linh và biểu tượng, tất cả xếp đặt thành những mối liên hệ tương quan, mô phỏng tuyệt hảo bằng hình những khái niệm trừu tượng vĩ đại, các năng lực và diễn trình.

Người ta tưởng tượng ra tranh thì ít mà cảm nhận nó thì nhiều. Giống như một chủ đề chính của bản nhạc có những nét phụ và nhiều biến thể, việc chân lý có nhiều phần và nhiều cách phối hợp chúng là chuyện hợp lý, không tránh được và cần thiết. Khi con người đạt tới những trạng thái cao của yoga, phần tiểu vũ trụ ý thức được nó là đại vũ trụ, và bước vào tâm thức của đại vũ trụ, trong đó con người vượt qua phần lớn giới hạn của thời gian, và không gian hầu như chẳng có. Thần thức ở ngay trung tâm, cảm nhận mọi việc một cách tự nhiên theo tầm mắt của mình. Các biến cố trong thời gian, sự phát triển của đường tiến hóa, cách vật chất xếp đặt, việc sáng tạo vũ trụ, sự đáp ứng của vật chất đối với tư tưởng thiêng liêng và ý chí, đều được thấy rõ không phải là những giai đoạn phù du nối tiếp nhau, mà như là các nguyên lý chính nằm đằng sau trọn diễn trình sáng tao vũ trụ.

Mục đích của yoga về mặt trí tuệ là đạt tới viễn tượng này, truyền nó vào trí não như là hiểu biết về các nguyên lý. Cổ Ai Cập đã làm được vậy và các bích họa này vẽ lại kết quả đó, sự thành công ấy làm cho tranh có năng lực cùng trở nên bất tử. Chúng là công trình của bậc thiên tài, vì chúng đến thẳng từ Atma xuống trí trừu tượng.

Các ứng viên và đạo gia của Ai Cập tham thiền nhiều giờ về các khía cạnh của diễn biến trong vũ trụ, họ được dặn quan sát ảnh hưởng trong trí não rồi vẽ ra. Các Đạo Sư trông nom và giúp thêm nên hình ảnh lần lần nảy nở. Rất thường khi các thiên thần và đạo gia ở cõi thanh cũng trợ lực, khiến người tham thiền đạt trạng thái rất cao của tâm thức, ý niệm cùng sự mô tả mỹ thuật về chân lý bí truyền. Nghệ thuật tôn giáo Ai Cập là cái nghệ thuật lý thú nhất, vì nó thuần về mặt huyền bí. Không có một bức họa, bức tượng trong thánh điện mang nét nào là chuyện phàm tục, tất cả đều ngụ ý tinh thần thiêng liêng, nói chung cũng như nói riêng.

 

Illuminations of the Mystery Tradition
(Sandra Hodson)